Marketing là tổng hợp những việc cần làm để tạo dựng, phát triển, duy trì mối quan hệ với khách hàng, nhằm bán được sản phẩm cho họ và thu về lợi nhuận. Có thể thấy, Marketing đóng vai trò vô cùng quan trọng trong doanh nghiệp. Cho nên ở bài viết này, Media Lab sẽ tổng hợp kiến thức, thông tin tổng quan và xu hướng Marketing trong năm 2024 - 2025 được cập nhật mới nhất để giải thích cho bạn cụ thể Marketing là gì, xem đến cuối bài viết bạn nhé! 

1. Marketing là gì?

Marketing (Tiếp thị) là cách doanh nghiệp kết nối với khách hàng, hiểu rõ họ cần gì, muốn gì và tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng được những nhu cầu và mong muốn đó. Marketing như là một "cầu nối" giúp đưa sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp đến tay khách hàng một cách hiệu quả, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp và cuối cùng, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh. 

Còn theo Philip Kotler - "cha đẻ" của Marketing hiện đại: "Marketing là một sự kết hợp giữa khoa học, nghệ thuật trong việc khám phá, kiến tạo và cung cấp giá trị để đáp ứng nhu cầu của thị trường mục tiêu nhằm thu về lợi nhuận. Marketing giúp xác định những nhu cầu và mong muốn chưa được đáp ứng. Nó định nghĩa, đo lường và định lượng quy mô của thị trường đã xác định và tiềm năng lợi nhuận. Marketing xác định phân khúc thị trường nào mà công ty có khả năng phục vụ tốt nhất, đồng thời thiết kế và quảng bá các sản phẩm và dịch vụ phù hợp."

Philip Kotler -

1.1. Mục đích và bản chất của Marketing

Mục đích của Marketing là thu hút khách hàng, chuyển đổi khách hàng và giữ chân khách hàng. Bản chất của Marketing là để quảng bá, phát triển thương hiệu (doanh nghiệp), tạo ra chuyển đổi, làm tăng doanh số bán hàng và thu lợi nhuận. 

Đầu tiên, Marketing giúp đưa sản phẩm/dịch vụ đến gần hơn với khách hàng tiềm năng, tạo dựng sự nhận biết về thương hiệu và lợi ích sản phẩm. Tiếp theo, Marketing sử dụng các chiến lược phù hợp để thúc đẩy hành vi mua hàng, biến khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực sự. Cuối cùng, Marketing không ngừng nỗ lực để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng, khuyến khích họ tiếp tục sử dụng sản phẩm/dịch vụ và trở thành khách hàng trung thành.

1.2. Lịch sử phát triển của Marketing

Lịch sử phát triển của Marketing trải qua 5 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn 1: Marketing thời kỳ đầu (Trước những năm 1920); Giai đoạn này sản xuất còn lạc hậu, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cơ bản. Do đó, doanh nghiệp chưa chú trọng đến hoạt động marketing.
  • Giai đoạn 2: Marketing thời kỳ tập trung vào sản xuất (1920s - 1950s); Nhu cầu thị trường tăng cao, doanh nghiệp tập trung vào sản xuất hàng loạt với chi phí thấp. Quan điểm marketing lúc này là "Sản xuất càng nhiều càng tốt".
  • Giai đoạn 3: Marketing thời kỳ tập trung vào bán hàng (1950s - 1960s); Sản xuất hàng loạt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Doanh nghiệp chủ yếu sử dụng các kỹ thuật bán hàng và quảng cáo để thúc đẩy doanh số.
  • Giai đoạn 4: Marketing thời kỳ tập trung vào khách hàng (1960s - 1990s); Doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Marketing chuyển hướng sang nghiên cứu và thấu hiểu nhu cầu, mong muốn của khách hàng mục tiêu để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu.
  • Giai đoạn 5: Marketing thời kỳ hiện đại (Từ những năm 1990s đến nay); Sự bùng nổ của Internet và công nghệ số đã tạo ra bước ngoặt lớn cho Marketing. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, dữ liệu lớn, tự động hóa,... để cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Đặc biệt, từ năm 2010, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tạo ra những bước tiến vượt bậc trong việc phân tích dữ liệu, tự động hóa và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Đến năm 2024, AI được dự đoán sẽ là tâm điểm trong các chiến dịch marketing, đem đến hiệu quả vượt trội.

Quá trình hình thành và phát triển của Marketing

2. Marketing hiện đại và Marketing truyền thống

Marketing hiện đại và Marketing truyền thống đều hướng đến mục tiêu thu hút và giữ chân khách hàng, gia tăng doanh số. Tuy nhiên, có nhiều điểm khác biệt giữa hai hình thức này.

  • Điểm giống: Đều hướng đến mục tiêu kiến tạo, thu hút và giữ chân khách hàng, gia tăng doanh số.
  • Điểm khác: 
Tiêu chí Marketing Truyền thống Marketing Hiện đại
Phương tiện truyền thông

In ấn (báo, tạp chí), TV, radio, bảng quảng cáo,...

Internet, mạng xã hội, email, SEO, PPC, mobile apps

Phạm vi tiếp cận

Giới hạn theo địa lý, khó mở rộng

Toàn cầu, dễ dàng mở rộng phạm vi tiếp cận

Chi phí

Thường cao, chi phí cho in ấn và phát sóng

Thay đổi linh hoạt, chi phí thường thấp hơn, tối ưu hóa dễ dàng

Tương tác với khách hàng

Một chiều, khách hàng ít phản hồi ngay lập tức

Hai chiều, tương tác trực tiếp và tức thời với khách hàng

Đo lường hiệu quả

Khó đo lường, thiếu chính xác

Dễ dàng đo lường, công cụ phân tích chi tiết và chính xác

Cá nhân hóa

Khó cá nhân hóa, thường là tiếp cận đại trà

Dễ cá nhân hóa theo hành vi và sở thích của khách hàng

Tốc độ truyền tải thông điệp

Chậm, thời gian triển khai dài

Nhanh chóng, có thể triển khai ngay lập tức

Công nghệ sử dụng

Ít hoặc không có sử dụng công nghệ

Ứng dụng công nghệ số, AI, dữ liệu lớn, tự động hóa

Chiến lược tiếp thị

Tập trung vào sản phẩm, bán hàng, khuyến mãi

Tập trung vào khách hàng, xây dựng mối quan hệ, trải nghiệm

Định hướng nội dung

Nội dung cố định, ít thay đổi

Nội dung động, thường xuyên cập nhật và tương tác

3. Phân biệt Marketing với Sale (Bán hàng)

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa Marketing và Sale. Thực tế, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau:

  • Sale (Bán hàng): Là hoạt động tập trung vào việc bán hàng trực tiếp, thuyết phục khách hàng mua sản phẩm ngay lập tức. Sale chú trọng vào giao dịch, kết quả ngắn hạn.
  • Marketing: Là quá trình lâu dài hơn, bắt đầu từ việc nghiên cứu thị trường, thấu hiểu khách hàng, xây dựng thương hiệu, tạo dựng mối quan hệ với khách hàng, từ đó tạo ra nhu cầu và thúc đẩy doanh số bán hàng. Marketing hướng đến giá trị lâu dài, xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng.

4. Phân biệt Marketing B2B và B2C

Marketing B2B (Business-to-Business)B2C (Business-to-Consumer) là hai loại hình tiếp thị chính trong Marketing, mỗi loại có đặc điểm và chiến lược riêng để phục vụ các đối tượng khách hàng khác nhau.

Xem bảng phân biệt dưới đây: 

Yếu tố Marketing B2B (Business-to-Business) Marketing B2C (Business-to-Consumer)
Đối tượng khách hàng Các doanh nghiệp, tổ chức, hoặc đơn vị kinh doanh Người tiêu dùng cá nhân
Quyết định mua hàng Phức tạp, kéo dài, nhiều người tham gia Nhanh chóng, ít phức tạp, thường chỉ một vài người
Mối quan hệ khách hàng Dài hạn, dựa trên sự tin cậy và chuyên nghiệp Ngắn hạn, tập trung vào nhu cầu tức thì
Chiến lược tiếp thị Xây dựng mối quan hệ, cung cấp thông tin chi tiết, sử dụng hội thảo, triển lãm, nội dung chuyên sâu Thu hút sự chú ý, tạo kết nối cảm xúc, sử dụng quảng cáo truyền hình, mạng xã hội, quảng cáo trực tuyến
Giá cả và đàm phán Linh hoạt, có thể đàm phán, liên quan đến hợp đồng và thỏa thuận chi tiết Cố định, ít đàm phán, giá niêm yết
Nội dung tiếp thị Mang tính giáo dục, thông tin, giải quyết vấn đề cụ thể, sử dụng tài liệu chuyên môn và báo cáo Mang tính giải trí, cảm xúc, thuyết phục về lợi ích cá nhân, sử dụng hình ảnh, video, và câu chuyện
Quy mô giao dịch Thường lớn, giá trị cao Thường nhỏ, giá trị thấp
Kênh phân phối Trực tiếp, quan hệ đối tác, mạng lưới phân phối Cửa hàng bán lẻ, trực tuyến, đại lý
Trọng tâm giá trị Tính năng sản phẩm, hiệu suất, ROI Thương hiệu, trải nghiệm, cảm xúc

5. Marketing Research

Marketing Research là hoạt động thu thập và phân tích thông tin về thị trường, đối thủ cạnh tranh và khách hàng mục tiêu. Mục đích của hoạt động này là cung cấp cái nhìn sâu sắc về thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định chiến lược hiệu quả hơn. Những nội dung có trong Marketing Research bao gồm Customer Journey (Hành trình khách hàng), Persona (Chân dung khách hàng), phân tích SWOT (Strengths, Weaknesses, Opportunities, Threats). 

Các hoạt động cụ thể Marketing Research: 

  • Nghiên cứu thị trường: Phân tích quy mô, tiềm năng, xu hướng, đặc điểm của thị trường.
  • Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh: Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, chiến lược của đối thủ.
  • Nghiên cứu hành vi khách hàng: Tìm hiểu nhu cầu, mong muốn, thói quen tiêu dùng của khách hàng.

6. Marketing Strategy 

6.1. Marketing Mix 4P

Mô hình 4P là mô hình Marketing Mix cơ bản, bao gồm 4 yếu tố chính:

  • Product (Sản phẩm): Là yếu tố cốt lõi, bao gồm các yếu tố như chất lượng, tính năng, thiết kế, bao bì, thương hiệu, dịch vụ hậu mãi,... Sản phẩm cần đáp ứng nhu cầu, mong muốn của khách hàng mục tiêu và tạo ra sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh
  • Price (Giá cả): Là giá trị mà khách hàng phải trả để sở hữu sản phẩm. Giá cả cần phù hợp với giá trị mà sản phẩm mang lại, khả năng chi trả của khách hàng và chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp. Các yếu tố cần xem xét khi định giá bao gồm: giá bán, chiết khấu, khuyến mãi, phương thức thanh toán,...
  • Place (Phân phối): Là cách thức đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Kênh phân phối cần thuận tiện, phù hợp với thói quen mua sắm của khách hàng mục tiêu. Các yếu tố thuộc về Place bao gồm: kênh phân phối (trực tiếp, gián tiếp), địa điểm bán hàng, logistics, quản lý kho bãi,...
  • Promotion (Quảng bá): Là hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm đến khách hàng mục tiêu. Chiến lược quảng bá cần thu hút sự chú ý, tạo ấn tượng với khách hàng và thúc đẩy hành vi mua hàng. Các hoạt động Promotion bao gồm: quảng cáo, PR, khuyến mại, bán hàng trực tiếp, tiếp thị kỹ thuật số,...

Marketing Mix 4P

6.2 Marketing Mix 5P

Marketing 5P dựa trên nền tảng 4P. Mô hình Marketing Mix 4P truyền thống, bao gồm Sản phẩm, Giá cả, Phân phối và Quảng bá, từng là kim chỉ nam cho các hoạt động marketing. Tuy nhiên, mô hình này dần bộc lộ hạn chế khi tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp mà chưa thực sự coi trọng trải nghiệm của khách hàng. Việc đo lường hiệu quả của từng yếu tố 4P cũng gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến sự cứng nhắc khi thị trường không ngừng biến đổi.

Chính vì vậy, yếu tố con người (People) được bổ sung, tạo nên Marketing Mix 5P. Trong đó, 4 yếu tố Product, Price, Place, Promotion trở thành nền tảng để mang đến trải nghiệm tích cực cho People . Mỗi yếu tố đều phải được xem xét và điều chỉnh dựa trên nhu cầu, mong muốn và hành vi của đối tượng mục tiêu, từ đó xây dựng mối quan hệ bền vững và gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Marketing Mix 5P

6.3 Marketing Mix 7P

Marketing 7P là mô hình marketing mở rộng, phát triển từ Marketing Mix 4P và 5P. 7P cung cấp cái nhìn toàn diện hơn về cách thức doanh nghiệp tiếp cận thị trường và mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Dưới đây là mô tả chi tiết từng yếu tố:

  • Product (Sản phẩm): Là cốt lõi của hoạt động Marketing, đại diện cho giải pháp doanh nghiệp mang đến để giải quyết vấn đề và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Product không chỉ là tập hợp các thuộc tính hữu hình như đặc tính kỹ thuật, thiết kế, bao bì,... mà còn là những giá trị vô hình như thương hiệu, dịch vụ đi kèm, uy tín,...
  • Price (Giá cả): Không chỉ đơn thuần là giá trị bằng tiền mà khách hàng phải trả, Price còn là đại diện cho giá trị mà họ cảm nhận được khi so sánh giữa lợi ích nhận được và chi phí bỏ ra.
  • Place (Phân phối): Cách thức và địa điểm mà sản phẩm đến tay khách hàng, bao gồm kênh phân phối, địa điểm bán hàng, logistics, và quản lý kho,...
  • Promotion (Quảng bá): Là cầu nối truyền tải thông điệp về sản phẩm/dịch vụ đến khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả.
  • People (Con người): Nhân tố tạo nên sự khác biệt trong trải nghiệm khách hàng. Bao gồm cả nhân viên - đại diện trực tiếp cho hình ảnh và giá trị của doanh nghiệp - và khách hàng - người trực tiếp trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ.
  • Process (Quy trình): Là tất cả các bước, quy trình, hệ thống mà doanh nghiệp vận hành để tạo ra và cung cấp sản phẩm/dịch vụ đến tay người tiêu dùng.
  • Physical Evidence (Bằng chứng hữu hình): Những yếu tố hữu hình, tác động đến giác quan giúp khách hàng đánh giá chất lượng sản phẩm/dịch vụ một cách trực quan. Nội dung này bao gồm nhiều yếu tố như: cơ sở vật chất, bao bì sản phẩm, tài liệu tiếp thị,...

Marketing Mix 7P

6.4. Inbound Marketing 

Inbound Marketing là phương thức marketing tập trung vào việc thu hút khách hàng tiềm năng bằng cách tạo ra nội dung giá trị và trải nghiệm được cá nhân hóa cho họ. Thay vì phải "chạy theo" khách hàng, Inbound Marketing tập trung "thu hút" xây dựng mối quan hệ và tạo dựng lòng tin để khách hàng tự tìm đến doanh nghiệp.

Hai yếu tố quan trọng trong Inbound Marketing: 

  • Lead Generation: Tạo ra các cơ hội kinh doanh từ việc thu hút khách hàng tiềm năng. Điều này được thực hiện bằng cách tạo ra nội dung hấp dẫn, cung cấp thông tin hữu ích mà khách hàng mục tiêu đang tìm kiếm, từ đó thu hút họ truy cập vào website hoặc các kênh truyền thông của doanh nghiệp. Các công cụ thường được sử dụng trong Lead Generation bao gồm SEO, Content Marketing, Social Media Marketing,...
  • Lead Nurturing: Nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng cho đến khi họ sẵn sàng mua hàng. Sau khi thu hút được khách hàng tiềm năng, Inbound Marketing tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ và cung cấp giá trị cho họ thông qua các hoạt động như Email Marketing, Automation, Lead Scoring,... Mục tiêu là cung cấp đúng thông tin vào đúng thời điểm, dẫn dắt khách hàng tiềm năng đi qua các giai đoạn trong hành trình mua hàng và cuối cùng là chuyển đổi họ thành khách hàng thực sự.

Ưu điểm của Inbound Marketing:

  • Tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách tự nhiên.
  • Tiết kiệm chi phí hơn so với Outbound Marketing.
  • Tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng.

Nhược điểm của Inbound Marketing:

  • Cần thời gian để mang lại hiệu quả.
  • Cần có kiến thức và kỹ năng chuyên môn để triển khai hiệu quả.

Inbound Marketing

6.5. Outbound Marketing 

Outbound Marketing là phương thức tiếp thị truyền thống, trong đó doanh nghiệp chủ động tiếp cận khách hàng tiềm năng để giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, bất kể họ có nhu cầu hay đã biết đến thương hiệu hay chưa.

Hai kỹ thuật thường được sử dụng trong Outbound Marketing: 

  • Cold Calling: Kỹ thuật này sử dụng hình thức gọi điện thoại trực tiếp cho khách hàng tiềm năng mà không có bất kỳ liên hệ trước đó. Mặc dù có thể tiếp cận khách hàng nhanh chóng, Cold Calling thường bị đánh giá là kém hiệu quả, dễ gây phiền hà cho khách hàng và tỷ lệ thành công thấp.
  • Direct Mail: Hình thức tiếp thị này liên quan đến việc gửi thư trực tiếp đến địa chỉ của khách hàng tiềm năng. Thư gửi có thể là brochure, catalog, thư chào hàng,... Mặc dù Direct Mail có thể nhắm mục tiêu đến từng đối tượng khách hàng cụ thể, nhưng hình thức này đang dần trở nên kém hiệu quả do chi phí cao và tỷ lệ phản hồi thấp.

Ưu điểm của Outbound Marketing:

  • Tiếp cận khách hàng tiềm năng nhanh chóng.
  • Phù hợp để quảng bá sản phẩm/dịch vụ mới.

Nhược điểm của Outbound Marketing:

  • Khó khăn trong việc nhắm mục tiêu khách hàng tiềm năng.
  • Tỷ lệ thành công thường thấp.
  • Dễ bị khách hàng bỏ qua hoặc phản cảm.

Outbound Marketing 

6.6. Chiến lược Marketing đại trà


Marketing đại trà (Undifferentiated Marketing) là hình thức tiếp thị hướng đến toàn bộ thị trường mà không phân biệt đối tượng khách hàng cụ thể. Doanh nghiệp áp dụng một thông điệp duy nhất, các hoạt động Marketing đồng nhất cho tất cả mọi người với mong muốn tiếp cận được nhiều người dùng nhất có thể.

Ưu điểm:

  • Tiếp cận số lượng lớn khách hàng trong thời gian ngắn, từ đó gia tăng nhận diện thương hiệu một cách nhanh chóng.
  • Chi phí thực hiện thường thấp hơn so với các chiến lực khác do không cần đầu tư quá nhiều vào việc nghiên cứu và phân tích đối tượng khách hàng.
  • Nâng cao nhận diện thương hiệu trên diện rộng khi thông điệp được truyền tải liên tục trên nhiều kênh khác nhau.

Nhược điểm:

  • Khó tạo ấn tượng và thuyết phục được từng nhóm khách hàng cụ thể vì thông điệp quá chung chung, không đánh trúng vào nhu cầu của họ.
  • Có thể gây lãng phí ngân sách nếu không được thực hiện khéo léo do phải phủ sóng trên diện rộng

Ví dụ: Các sản phẩm nhu yếu phẩm như gạo, muối, nước mắm,... thường sử dụng chiến lược Marketing đại trà vì đối tượng sử dụng là tất cả mọi người. Ngoài ra, các doanh nghiệp mới thành lập cũng có thể áp dụng chiến lược này để tăng độ phủ thương hiệu ban đầu.

6.7. Chiến lược Marketing phân biệt

Marketing phân biệt (Differentiated marketing) là chiến lược "chiều lòng từng đối tượng", nhắm vào nhiều nhóm khách hàng khác nhau bằng cách chia thị trường thành các phân khúc nhỏ hơn dựa trên nhu cầu, sở thích, hành vi,... Mỗi phân khúc sẽ có thông điệp, sản phẩm/dịch vụ và chiến dịch Marketing được "cá nhân hóa" riêng, đảm bảo "đánh trúng" vào nhóm khách hàng mục tiêu.

Ưu điểm:

  • Đáp ứng tốt hơn nhu cầu, sở thích của từng nhóm khách hàng, từ đó tăng khả năng chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực sự.
  • Tăng khả năng cạnh tranh bằng cách tạo ra sự khác biệt so với đối thủ, giúp thương hiệu tạo dựng vị thế vững chắc trong tâm trí khách hàng.
  • Nâng cao lòng trung thành của khách hàng khi họ cảm nhận được sự quan tâm và thấu hiểu từ phía doanh nghiệp.

Nhược điểm:

  • Đòi hỏi nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng và phân tích đối tượng chi tiết để có thể phân chia thị trường và xây dựng chân dung khách hàng chính xác.
  • Chi phí thực hiện cao hơn so với Marketing đại trà do doanh nghiệp phải đầu tư cho nhiều chiến dịch Marketing khác nhau nhằm hướng đến từng phân khúc khách hàng.

Ví dụ: Các hãng xe hơi thường phân khúc thị trường theo thu nhập, phong cách sống,... để có chiến lược sản phẩm và truyền thông phù hợp. Các thương hiệu thời trang cũng thường chia khách hàng theo giới tính, độ tuổi, phong cách,... để tăng hiệu quả tiếp cận.

6.8. Chiến lược Marketing tập trung

Chiến lược Marketing tập trung (Centralized Marketing Strategy) là chiến lược tiếp thị tập trung nguồn lực vào một phân khúc khách hàng cụ thể với mong muốn trở thành "chuyên gia" trong phân khúc đó. Doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển sản phẩm/dịch vụ đặc thù, thông điệp truyền thông nhất quán và lựa chọn kênh truyền thông phù hợp nhất để tiếp cận nhóm khách hàng này.

Ưu điểm:

  • Tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn lực Marketing do chỉ tập trung vào một nhóm đối tượng duy nhất.
  • Tạo lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong phân khúc nhắm đến khi doanh nghiệp thấu hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của họ.
  • Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng mục tiêu, từ đó nâng cao lòng trung thành và gia tăng doanh thu.

Nhược điểm:

  • Rủi ro cao nếu phân khúc thị trường đó gặp khó khăn hoặc suy giảm thì doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
  • Khó mở rộng sang phân khúc khác khi chưa có đủ tiềm lực và nguồn lực.

Ví dụ: Các cửa hàng chuyên bán đồ dùng cho thú cưng cao cấp áp dụng chiến lược Marketing tập trung khi chỉ hướng đến nhóm khách hàng có điều kiện kinh tế và sẵn sàng chi tiêu nhiều cho thú cưng. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp thường chọn chiến lược này trong giai đoạn đầu để tập trung nguồn lực phát triển.

7. Các loại hình Marketing

7.1. Traditional Marketing

Marketing truyền thống là hình thức tiếp thị lâu đời, sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống để tiếp cận khách hàng mục tiêu. Loại hình này tập trung vào việc tạo ra nhận thức về thương hiệu và tiếp cận số lượng lớn khách hàng cùng lúc.

Các hoạt động của Marketing truyền thống bao gồm:

  • Print Marketing: Quảng cáo trên các ấn phẩm in ấn như báo chí, tạp chí, tờ rơi, catalogue. Hình thức này phù hợp với các doanh nghiệp muốn tiếp cận khách hàng trong một khu vực địa lý cụ thể hoặc một nhóm đối tượng khách hàng nhất định.
  • Broadcast Marketing: Quảng cáo trên các phương tiện truyền thông phát sóng như TV và radio. Ưu điểm của hình thức này là khả năng tiếp cận số lượng lớn khán giả trong thời gian ngắn.
  • Direct Mail Marketing: Gửi thư quảng cáo, brochure, catalogue trực tiếp đến địa chỉ của khách hàng tiềm năng.
  • Telemarketing: Tiếp cận và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng thông qua hình thức gọi điện thoại.
  • Outdoor Marketing: Sử dụng các biển quảng cáo tấm lớn, bảng hiệu, OOH, poster tại các địa điểm công cộng, trạm xe buýt, hoặc quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, taxi,... để thu hút sự chú ý của khách hàng.

Ưu điểm của Traditional Marketing:

  • Khả năng tiếp cận số lượng lớn khách hàng trong vị trí nhất định.
  • Dễ dàng tạo dựng nhận thức về thương hiệu.
  • Phương thức tiếp cận trực quan, dễ hiểu với nhiều đối tượng khách hàng.

Nhược điểm của Traditional Marketing:

  • Chi phí thường cao.
  • Khó đo lường hiệu quả chính xác.
  • Khó khăn trong việc cá nhân hóa thông điệp tiếp thị.

Traditional Marketing

7.2. Digital Marketing

Digital Marketing (tiếp thị kỹ thuật số) là hình thức tiếp thị sử dụng các kênh kỹ thuật số như website, công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, email,... để tiếp cận và thu hút khách hàng mục tiêu. Ưu điểm của Digital Marketing là khả năng đo lường hiệu quả chính xác, nhắm mục tiêu khách hàng tiềm năng hiệu quả với chi phí hợp lý hơn so với Marketing truyền thống.

Các hoạt động của Digital Marketing rất đa dạng, bao gồm:

  • Search Engine Optimization (SEO): Tối ưu hóa website và nội dung website trên các công cụ tìm kiếm (Google, Bing, Cốc Cốc,...) để website xuất hiện ở vị trí cao trên trang kết quả tìm kiếm tự nhiên (không phải kết quả quảng cáo), từ đó thu hút lượng lớn khách hàng tiềm năng truy cập vào website.
  • Search Engine Marketing (SEM): Chạy quảng cáo trả phí trên các công cụ tìm kiếm (Google Ads, Bing Ads,...). SEM giúp website hiển thị ngay trang đầu của kết quả tìm kiếm với những từ khóa liên quan đến sản phẩm/dịch vụ, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận khách hàng tiềm năng đang có nhu cầu tìm kiếm.
  • Content Marketing: Tạo ra và phân phối những nội dung giá trị, hấp dẫn, cung cấp thông tin hữu ích cho khách hàng mục tiêu nhằm thu hút và giữ chân họ, từ đó thúc đẩy hành vi mua hàng. Các hình thức Content Marketing phổ biến là viết blog, tạo ebook, infographic, video,...
  • Social Media Marketing: Kết nối và tương tác với khách hàng mục tiêu trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, YouTube, TikTok,... Các hoạt động Social Media Marketing bao gồm đăng bài viết, hình ảnh, video, livestream, chạy quảng cáo, tổ chức minigame,...
  • Email Marketing: Sử dụng email để gửi thông tin tiếp thị đến khách hàng tiềm năng và khách hàng hiện tại. Email Marketing thường được sử dụng để giới thiệu sản phẩm mới, chương trình khuyến mãi, gửi newsletter cung cấp thông tin hữu ích cho khách hàng.
  • Affiliate Marketing: Hợp tác với các đối tác (cá nhân, tổ chức) có khả năng tiếp cận khách hàng mục tiêu để quảng bá sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp.
  • Influencer Marketing: Tận dụng sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng, có uy tín trên mạng xã hội (ca sĩ, diễn viên, KOLs, KOCs,...) để quảng bá sản phẩm/dịch vụ đến nhóm khách hàng mục tiêu.
  • Pay-Per-Click (PPC) Advertising: Hình thức quảng cáo trả phí, nhà quảng cáo sẽ trả phí cho mỗi lượt nhấp chuột vào quảng cáo của họ.

Ưu điểm của Digital Marketing:

  • Dễ dàng đo lường hiệu quả.
  • Chi phí hợp lý.
  • Khả năng nhắm mục tiêu khách hàng tiềm năng chính xác.

Nhược điểm của Digital Marketing:

  • Cần có kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
  • Cạnh tranh cao.
  • Luôn phải cập nhật những xu hướng mới.

Digital Marketing

7.3. Content Marketing 

Content Marketing (Tiếp thị nội dung) là hình thức tiếp thị tập trung vào việc tạo ra và phân phối nội dung giá trị, phù hợp với nhu cầu của khách hàng mục tiêu nhằm thu hút, giữ chân họ và thúc đẩy hành vi mua hàng. Content Marketing không chỉ đơn thuần là quảng cáo sản phẩm/dịch vụ mà còn cung cấp thông tin hữu ích, giải giải đáp thắc mắc, giúp khách hàng giải quyết vấn đề của họ.

Các hoạt động của Content Marketing:

  • Blogging: Viết blog chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, thông tin hữu ích liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời tối ưu SEO để tiếp cận khách hàng tiềm năng trên công cụ tìm kiếm.
  • Video Marketing: Tạo các video giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, video hướng dẫn sử dụng, video hậu trường,... đăng tải trên các nền tảng như Youtube, Facebook, TikTok,... để tiếp cận khách hàng mục tiêu theo hình thức trực quan, sinh động.
  • Podcasting: Sản xuất các chương trình âm thanh (podcast) chia sẻ kiến thức chuyên sâu, phỏng vấn chuyên gia, thảo luận về các chủ đề hấp dẫn,... Podcast là hình thức tiếp cận hiệu quả với những đối tượng khách hàng yêu thích việc nghe thông tin.
  • Infographics: Truyền tải thông tin bằng hình ảnh trực quan, dễ hiểu, dễ nhớ, thu hút sự chú ý của người xem. Infographic thường được sử dụng để trình bày số liệu thống kê, hướng dẫn cách làm, so sánh sản phẩm,...

Ưu điểm của Content Marketing:

  • Thu hút khách hàng tiềm năng tự nhiên.
  • Tăng cường nhận diện thương hiệu.
  • Xây dựng lòng tin và uy tín với khách hàng.

Nhược điểm của Content Marketing:

  • Cần thời gian và công sức để tạo ra nội dung chất lượng.
  • Cần có chiến lược đầu bài bài bản, lâu dài.
  • Cần đo lường và phân tích hiệu quả thường xuyên để tối ưu nội dung.

Content Marketing

7.4. Social Media Marketing

Social Media Marketing (tiếp thị truyền thông mạng xã hội) là việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, TikTok,... để kết nối, tương tác với khách hàng, xây dựng cộng đồng và quảng bá thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ.

Các hoạt động của Social Media Marketing:

  • Organic Social Media Marketing: Tạo và đăng tải nội dung miễn phí trên các trang mạng xã hội, tương tác với người theo dõi (trả lời bình luận, tin nhắn, tham gia thảo luận trên group,...).
  • Paid Social Media Advertising: Chạy quảng cáo trả phí trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng mục tiêu nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Ưu điểm của Social Media Marketing:

  • Tiếp cận khách hàng mục tiêu nhanh chóng và hiệu quả.
  • Tăng cường nhận diện thương hiệu.
  • Xây dựng mối quan hệ gần gũi với khách hàng.

Nhược điểm của Social Media Marketing:

  • Cần thường xuyên cập nhật nội dung mới, theo kịp xu hướng của từng nền tảng mạng xã hội.
  • Cần có kỹ năng quản lý cộng đồng, xử lý khủng hoảng truyền thông (nếu có).

Social Media Marketing

7.5. Event Marketing

Event Marketing (Tiếp thị sự kiện) là việc tổ chức các sự kiện trực tiếp (offline) hoặc trực tuyến (online) nhằm thu hút khách hàng mục tiêu, tạo dựng mối quan hệ với khách hàng, quảng bá thương hiệu và sản phẩm/dịch vụ.

Các hoạt động của Event Marketing:

  • Trade Shows (Triển lãm thương mại): Tham gia các triển lãm thương mại để trưng bày sản phẩm/dịch vụ, gặp gỡ đối tác, khách hàng tiềm năng.
  • Webinars (Hội thảo trực tuyến): Tổ chức các buổi hội thảo trực tuyến chia sẻ kiến thức, giới thiệu sản phẩm/dịch vụ mới, giải đáp thắc mắc cho khách hàng.
  • Conferences and Seminars (Hội nghị, hội thảo): Tổ chức các sự kiện quy mô lớn hơn, tập trung vào một chủ đề cụ thể, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả, khách mời nổi tiếng trong ngành.
  • Khởi động sản phẩm mới (Product Launch): Tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm mới, tạo sự kiện truyền thông, thu hút sự chú ý của báo chí và công chúng.
  • Họp mặt khách hàng (Customer Appreciation Events): Tổ chức các buổi gặp mặt, tri ân khách hàng thân thiết, tạo dựng mối quan hệ gần gũi hơn với khách hàng.

Ưu điểm của Event Marketing:

  • Tạo ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng.
  • Cơ hội tiếp xúc trực tiếp với khách hàng mục tiêu.
  • Gia tăng nhận diện thương hiệu.

Nhược điểm của Event Marketing:

  • Chi phí tổ chức thường cao.
  • Cần có kế hoạch và chuẩn bị kỹ lưỡng.
  • Khó đo lường hiệu quả chính xác.

Event Marketing

7.6. Experiential Marketing

Experiential Marketing (Tiếp thị trải nghiệm) là việc tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ, độc đáo cho khách hàng, từ đó khơi gợi cảm xúc tích cực, gây ấn tượng mạnh mẽ về thương hiệu và thúc đẩy hành vi mua hàng.

Các hoạt động của Experiential Marketing:

  • Pop-up Stores (Cửa hàng “bật lên”): Mở các cửa hàng tạm thời tại các địa điểm đông người qua lại trong thời gian ngắn để tạo sự mới lạ, thu hút sự chú ý của khách hàng, đồng thời giới thiệu sản phẩm/dịch vụ mới, kích cầu mua sắm.
  • Brand Activations (Hoạt động kích hoạt thương hiệu): Tổ chức các hoạt động tương tác, thu hút sự tham gia của khách hàng như trò chơi, minigame, chương trình sampling (phát mẫu thử sản phẩm), khu vực chụp ảnh check-in,...
  • Guerrilla Marketing (Tiếp thị du kích): Sử dụng những ý tưởng độc đáo, bất ngờ, gây shock với chi phí thấp để tạo ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng, thu hút sự chú ý của dư luận và lan truyền trên mạng xã hội.

Ưu điểm của Experiential Marketing:

  • Tạo ấn tượng khó quên với khách hàng.
  • Tăng cường kết nối cảm xúc với thương hiệu.
  • Lan truyền thông điệp tiếp thị mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Nhược điểm của Experiential Marketing:

  • Cần có ý tưởng sáng tạo, độc đáo.
  • Chi phí triển khai có thể cao.
  • Khó kiểm soát hoàn toàn hiệu quả của chiến dịch.

Experiential Marketing

7.7. Relationship Marketing 

Relationship Marketing (Tiếp thị dựa trên mối quan hệ) là chiến lược tập trung vào việc xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp, lâu dài với khách hàng thay vì chỉ tập trung vào việc bán hàng đơn thuần. Mục tiêu của Relationship Marketing là biến khách hàng thành “fan trung thành” của thương hiệu, sẵn sàng giới thiệu sản phẩm/dịch vụ đến bạn bè, người thân của họ.

Các hoạt động của Relationship Marketing:

  • Customer Loyalty Programs (Chương trình khách hàng thân thiết): Xây dựng hệ thống tích điểm thưởng cho khách hàng thân thiết, cung cấp các ưu đãi, quyền lợi đặc biệt dành riêng cho thành viên của chương trình như giảm giá, quà tặng, dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên biệt,...
  • Customer Engagement (Tương tác với khách hàng): Thường xuyên tương tác với khách hàng trên các kênh online (website, mạng xã hội, email,...) và offline (sự kiện, cửa hàng,...), lắng nghe ý kiến phản hồi, giải đáp thắc mắc, hỗ trợ khách hàng một cách tận tình, chu đáo.

Ưu điểm của Relationship Marketing:

  • Tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng.
  • Tạo dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.
  • Giảm chi phí tìm kiếm khách hàng mới.

Nhược điểm của Relationship Marketing:

  • Cần thời gian và nỗ lực để xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng.
  • Cần có hệ thống quản lý khách hàng hiệu quả.

Relationship Marketing

7.8. Guerrilla Marketing

Guerrilla Marketing (Tiếp thị du kích) là hình thức tiếp thị sử dụng những ý tưởng độc đáo, bất ngờ, gây shock, ấn tượng mạnh với chi phí thấp để thu hút sự chú ý của khách hàng mục tiêu và tạo viral marketing (tiếp thị lan truyền) trên mạng xã hội.

Các hoạt động của Guerrilla Marketing:

  • Stunts and Publicity Stunts: Tổ chức các hoạt động, trò chơi bất ngờ tại các địa điểm công cộng hoặc tạo ra những tình huống gây chú ý để thu hút sự quan tâm của đám đông, từ đó quảng bá thương hiệu và sản phẩm/dịch vụ.
  • Graffiti and Street Art: Sử dụng nghệ thuật đường phố như vẽ tranh tường (graffiti), nghệ thuật sắp đặt để truyền tải thông điệp tiếp thị một cách sáng tạo, gần gũi với giới trẻ.
  • Flash Mobs: Tập hợp một nhóm người biểu diễn một tiết mục đặc biệt tại nơi công cộng trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng giải tán, tạo sự bất ngờ, thú vị cho người chứng kiến và thu hút sự lan truyền trên mạng xã hội.

Ưu điểm của Guerrilla Marketing:

  • Chi phí thấp.
  • Tạo viral marketing hiệu quả.
  • Tạo ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng mục tiêu.

Nhược điểm của Guerrilla Marketing:

  • Cần có ý tưởng sáng tạo, độc đáo.
  • Khó kiểm soát hoàn toàn thông điệp truyền thông.
  • Có thể gây phản tác dụng nếu không thực hiện khéo léo.

Guerrilla Marketing

7.9. Personalized Marketing

Personalized Marketing (Tiếp thị cá nhân hóa) là việc cá nhân hóa trải nghiệm của từng khách hàng, cung cấp cho họ những nội dung, sản phẩm/dịch vụ, ưu đãi,... phù hợp với sở thích, hành vi và nhu cầu của họ, từ đó tăng hiệu quả tiếp thị.

Các hoạt động của Personalized Marketing:

  • Personalized Emails (Email cá nhân hóa): Gửi email tiếp thị được cá nhân hóa nội dung dựa trên thông tin, hành vi của từng khách hàng như lịch sử mua hàng, sản phẩm yêu thích, hành vi lướt web,...
  • Dynamic Content (Nội dung động): Hiển thị nội dung website thay đổi linh hoạt dựa trên thông tin, hành vi của từng người dùng.
  • Recommendation Engines (Công cụ gợi ý): Gợi ý sản phẩm/dịch vụ liên quan dựa trên lịch sử mua hàng, hành vi lướt web, sản phẩm đã xem của khách hàng.

Ưu điểm của Personalized Marketing:

  • Tăng hiệu quả tiếp thị.
  • Nâng cao trải nghiệm khách hàng.
  • Tăng tỷ lệ chuyển đổi và doanh thu.

Nhược điểm của Personalized Marketing:

  • Cần thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng.
  • Cần có công nghệ và nền tảng phù hợp.

Marketing cá nhân hóa

7.10. Mobile Marketing

Mobile Marketing (Tiếp thị di động) là hình thức tiếp thị nhắm mục tiêu đến người dùng thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng,... thông qua các kênh như tin nhắn văn bản (SMS), ứng dụng di động, quảng cáo trên thiết bị di động,...

Các hoạt động của Mobile Marketing:

  • SMS Marketing: Gửi tin nhắn văn bản (SMS) quảng cáo, chương trình khuyến mãi đến khách hàng.
  • App-based Marketing: Quảng cáo trên ứng dụng di động hoặc xây dựng ứng dụng di động riêng cho thương hiệu/doanh nghiệp.
  • Location-based Marketing (Tiếp thị dựa trên vị trí): Gửi thông báo quảng cáo, chương trình khuyến mãi đến khách hàng đang ở gần cửa hàng, địa điểm kinh doanh.

Ưu điểm của Mobile Marketing:

  • Tiếp cận khách hàng mọi lúc, mọi nơi.
  • Tương tác với khách hàng một cách trực tiếp.
  • Dễ dàng cá nhân hóa thông điệp tiếp thị.

Nhược điểm của Mobile Marketing:

  • Có thể gây phiền hà cho khách hàng nếu không thực hiện khéo léo.
  • Giới hạn về không gian hiển thị trên màn hình thiết bị di động.

Mobile Marketing

7.11. Viral Marketing 

Viral Marketing (Tiếp thị lan truyền) là hình thức tiếp thị khuyến khích khách hàng tự nguyện chia sẻ thông tin về thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ đến bạn bè, người thân của họ, tạo hiệu ứng lan truyền như virus.

Các hoạt động của Viral Marketing:

  • Content Sharing: Tạo ra nội dung hấp dẫn, gây tò mò, thú vị, khiến người xem muốn chia sẻ lên mạng xã hội.
  • Referral Programs (Chương trình giới thiệu): Khuyến khích khách hàng giới thiệu bạn bè, người thân sử dụng sản phẩm/dịch vụ bằng cách cung cấp ưu đãi cho cả người giới thiệu và người được giới thiệu.
  • Social Media Contests (Cuộc thi trên mạng xã hội): Tổ chức các cuộc thi yêu cầu người tham gia chia sẻ thông tin về thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ lên trang cá nhân.

Ưu điểm của Viral Marketing:

  • Lan truyền thông điệp tiếp thị nhanh chóng, rộng rãi.
  • Tiết kiệm chi phí quảng cáo.
  • Tăng độ nhận diện thương hiệu.

Nhược điểm của Viral Marketing:

  • Khó kiểm soát hoàn toàn thông điệp truyền thông.
  • Hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nội dung.

Viral Marketing

7.12. Multichannel Marketing 

Multichannel Marketing (Tiếp thị đa kênh) là việc kết hợp nhiều kênh tiếp thị khác nhau để tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách toàn diện và hiệu quả nhất.

Các hoạt động của Multichannel Marketing:

  • Integrated Campaigns (Chiến dịch tiếp thị tích hợp): Kết hợp nhiều kênh tiếp thị khác nhau như quảng cáo truyền thống, tiếp thị kỹ thuật số, tiếp thị sự kiện,... trong một chiến dịch tiếp thị đồng bộ và nhất quán.

Ưu điểm của Multichannel Marketing:

  • Tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách toàn diện và hiệu quả.
  • Tăng cường nhận diện thương hiệu.
  • Nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Nhược điểm của Multichannel Marketing:

  • Cần có kế hoạch và phối hợp nhịp nhàng giữa các kênh tiếp thị.
  • Chi phí triển khai có thể cao.

Multichannel Marketing 

8. Các mô hình tiếp thị trong Marketing 

8.1. Mô hình AIDA

AIDA là một trong những mô hình Marketing Communications lâu đời và phổ biến nhất. Mô hình này mô tả hành trình ra quyết định mua hàng của khách hàng qua 4 giai đoạn chính:

  • Attention (Gây sự chú ý): Thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng. Ví dụ: Quảng cáo ấn tượng, content thu hút trên mạng xã hội.
  • Interest (Tạo sự quan tâm): Khơi gợi sự tò mò, thôi thúc khách hàng tìm hiểu thêm về sản phẩm/dịch vụ. Ví dụ: Nội dung chia sẻ lợi ích sản phẩm, video giới thiệu hấp dẫn.
  • Desire (Khơi gợi mong muốn): Tạo dựng niềm tin, khiến khách hàng mong muốn sở hữu sản phẩm/dịch vụ. Ví dụ: Chứng nhận từ khách hàng, so sánh sản phẩm.
  • Action (Thúc đẩy hành động): Khuyến khích khách hàng thực hiện hành động mua hàng. Ví dụ: Chương trình khuyến mãi, lời kêu gọi hành động rõ ràng.

Mô hình AIDA

8.2. Mô hình DAGMAR

DAGMAR là viết tắt của Defining Advertising Goals for Measured Advertising Results (Xác định mục tiêu quảng cáo cho kết quả quảng cáo đo lường được). Mô hình này tập trung vào việc thiết lập mục tiêu truyền thông cụ thể, đo lường được và có tính khả thi. DAGMAR bao gồm 4 cấp độ nhận thức của khách hàng:

  • Nhận thức (Awareness): Làm cho khách hàng biết đến sự tồn tại của thương hiệu/sản phẩm.
  • Hiểu biết (Comprehension): Giúp khách hàng hiểu rõ hơn về đặc điểm, tính năng, lợi ích của sản phẩm/dịch vụ.
  • Thuyết phục (Conviction): Thuyết phục khách hàng tin tưởng vào sản phẩm/dịch vụ và mong muốn sở hữu chúng.
  • Hành động (Action): Thúc đẩy khách hàng thực hiện hành động mua hàng hoặc chuyển đổi mong muốn.

Mô hình DAGMAR

8.3. Mô hình Hierarchy of Effects

Mô hình Hierarchy of Effects (Mô hình Hiệu ứng theo tầng) cho rằng khách hàng trải qua 6 cấp độ tâm lý trước khi quyết định mua hàng, bao gồm:

  • Nhận thức (Awareness): Ở giai đoạn đầu, khách hàng cần phải biết đến sự tồn tại của sản phẩm/dịch vụ. 
  • Kiến thức (Knowledge): Sau khi nhận thức, khách hàng bắt đầu tìm hiểu thông tin, tính năng, lợi ích của sản phẩm/dịch vụ. 
  • Thích (Liking): Giai đoạn này thể hiện sự yêu thích của khách hàng với sản phẩm/dịch vụ, có thể đến từ thiết kế, tính năng, hoặc thương hiệu.
  • Ưu tiên (Preference): Khách hàng bắt đầu so sánh sản phẩm/dịch vụ với các đối thủ cạnh tranh và đưa sản phẩm/dịch vụ vào danh sách lựa chọn ưu tiên. 
  • Thuyết phục (Conviction): Khách hàng tin tưởng rằng sản phẩm/dịch vụ đó phù hợp với nhu cầu và mong muốn sở hữu.
  • Mua hàng (Purchase): Giai đoạn cuối cùng, khách hàng quyết định mua hàng sau khi đã trải qua các giai đoạn tâm lý trước đó.

Mô hình Hierarchy of Effects

8.4. Mô hình 5A của McKinsey

Mô hình 5A của McKinsey được phát triển dựa trên hành vi tiêu dùng của khách hàng trong thời đại kỹ thuật số. 5A bao gồm:

  • Aware (Nhận thức): Khách hàng biết đến sự tồn tại của sản phẩm/dịch vụ.
  • Appeal (Hấp dẫn): Sản phẩm/dịch vụ thu hút sự chú ý và tạo ấn tượng với khách hàng.
  • Ask (Tìm hiểu): Khách hàng chủ động tìm kiếm thông tin chi tiết về sản phẩm/dịch vụ.
  • Act (Hành động): Khách hàng thực hiện hành động mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ.
  • Advocate (Ủng hộ): Khách hàng hài lòng và giới thiệu sản phẩm/dịch vụ cho người khác.

Mô hình 5A của McKinsey

8.5. Mô hình AISAS

Tương tự như mô hình 5A, mô hình AISAS cũng được xây dựng dựa trên hành vi của người tiêu dùng trong thời đại kỹ thuật số, đặc biệt là sự phát triển của internet và mạng xã hội. 5 giai đoạn trong mô hình AISAS bao gồm:

  • Attention (Gây sự chú ý): Thu hút tạo ấn tượng ban đầu với với khách hàng bằng những hoạt động mới lạ, nổi bật. 
  • Interest (Tạo sự quan tâm): Cho khách hàng thấy được giá trị của sản phẩm, hoặc điểm độc đáo của thương hiệu. 
  • Search (Tìm kiếm thông tin): Khách hàng tìm kiếm thêm thông tin về sản phẩm/dịch vụ trên các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, website,...
  • Action (Hành động): Khách hàng thực hiện hành động chuyển đổi mong muốn, ví dụ như mua hàng, đăng ký dịch vụ, để lại thông tin liên hệ,...
  • Share (Chia sẻ): Khách hàng chia sẻ trải nghiệm của mình về sản phẩm/dịch vụ trên các nền tảng trực tuyến.

Mô hình AISAS

8.6. Mô hình REAN

REAN là viết tắt của Reach, Engage, Activate, Nurture (Tiếp cận, Tương tác, Kích hoạt, Nuôi dưỡng), mô hình này tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

  • Reach (Tiếp cận): Tiếp cận khách hàng mục tiêu thông qua các kênh truyền thông phù hợp.
  • Engage (Tương tác): Tạo ra những nội dung chất lượng, thu hút sự chú ý và khuyến khích khách hàng tương tác với thương hiệu.
  • Activate (Kích hoạt): Thúc đẩy khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thực sự bằng các chương trình ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn.
  • Nurture (Nuôi dưỡng): Duy trì mối quan hệ với khách hàng sau khi mua hàng, chăm sóc và khuyến khích họ tiếp tục mua hàng trong tương lai.

Mô hình REAN

8.7. Mô hình PESO

PESO là mô hình truyền thông tích hợp, kết hợp hiệu quả giữa 4 loại hình truyền thông chính:

  • Paid Media (Truyền thông trả phí): Các kênh truyền thông mà doanh nghiệp phải trả tiền để được hiển thị, chẳng hạn như quảng cáo trên Facebook Ads, Google Ads, quảng cáo banner,...
  • Earned Media (Truyền thông lan tỏa): Hình thức truyền thông mà doanh nghiệp "kiếm được" thông qua các hoạt động PR, bao gồm các bài viết, đánh giá tích cực từ báo chí, người nổi tiếng, hoặc chia sẻ của khách hàng trên mạng xã hội.
  • Shared Media (Truyền thông chia sẻ): Lượt tương tác, chia sẻ của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube,...
  • Owned Media (Truyền thông sở hữu): Các kênh truyền thông thuộc sở hữu của doanh nghiệp, chẳng hạn như website, blog, trang mạng xã hội, email marketing,...

Mô hình PESO

8.8. Mô hình IMC

IMC là viết tắt của Integrated Marketing Communications (Truyền thông Marketing tích hợp). Mô hình này nhấn mạnh việc kết hợp đồng bộ tất cả các kênh truyền thông và công cụ marketing để tạo ra thông điệp nhất quán và hiệu quả. IMC bao gồm việc phối hợp các hoạt động như:

  • Quảng cáo (Advertising)
  • Quan hệ công chúng (PR)
  • Tiếp thị trực tiếp (Direct Marketing)
  • Bán hàng cá nhân (Personal Selling)
  • Tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing)

Mô hình Marketing tổng thể IMC

9. Quy trình làm Marketing 

Làm Marketing là thực hiện các hoạt động để đưa sản phẩm/dịch vụ tiếp cận khách hàng mục tiêu và thúc đẩy họ mua hàng. Quá trình làm Marketing thường bao gồm các bước sau:

  • Bước 1: Nghiên cứu thị trường; Phân tích thị trường, xác định nhu cầu, mong muốn của khách hàng mục tiêu, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức),... để xây dựng chiến lược marketing phù hợp.
  • Bước 2: Xác định khách hàng mục tiêu; Xác định rõ đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp muốn hướng đến, phân tích đặc điểm nhân khẩu học, thói quen tiêu dùng, hành vi mua sắm,... của họ.
  • Bước 3: Xây dựng chiến lược sản phẩm; Phát triển sản phẩm/dịch vụ đáp ứng nhu cầu, mong muốn của khách hàng mục tiêu, tạo ra sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
  • Bước 4: Xây dựng chiến lược giá; Định giá sản phẩm/dịch vụ phù hợp với giá trị mà nó mang lại, khả năng chi trả của khách hàng mục tiêu và chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp.
  • Bước 5: Xây dựng chiến lược phân phối; Lựa chọn kênh phân phối phù hợp để đưa sản phẩm/dịch vụ đến tay người tiêu dùng một cách thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả.
  • Bước 6: Xây dựng chiến lược quảng bá; Lên kế hoạch quảng bá sản phẩm/dịch vụ đến khách hàng mục tiêu thông qua các kênh truyền thông phù hợp như quảng cáo, PR, tiếp thị nội dung, mạng xã hội,...
  • Bước 7: Đánh giá và đo lường hiệu quả; Theo dõi, phân tích, đánh giá hiệu quả của các hoạt động marketing đã triển khai, từ đó điều chỉnh chiến lược cho phù hợp. 

Tổng quan về quá trình làm Marketing

10. Các xu hướng Marketing nổi bật trong năm 2024 - 2025

 Marketing hiện đại đã lên một tầm cao mới khi sức sáng tạo của con người trong hiện tại ngày càng ưu việt. Dưới đây là xu hướng Marketing trong năm 2024 và dự là còn phát triển hơn trong năm 2025:

  • Short-form video content (Nội dung video ngắn): Video ngắn trên các nền tảng như TikTok, Reels, YouTube Shorts,... ngày càng phổ biến và trở thành kênh tiếp thị hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp.
  • Livestream shopping (Bán hàng trực tuyến): Hình thức bán hàng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Instagram,... đang ngày càng phát triển với nhiều công cụ hỗ trợ cho người bán.
  • Influencer Marketing (Tiếp thị qua người ảnh hưởng): Tiếp tục phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức hợp tác đa dạng và chuyên nghiệp hơn.
  • Artificial intelligence (AI - Trí tuệ nhân tạo): AI được ứng dụng ngày càng nhiều trong Marketing, hỗ trợ cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, tự động hóa các hoạt động marketing, phân tích dữ liệu, dự đoán hành vi khách hàng,...
  • Virtual Reality (VR - Thực tế ảo) & Augmented Reality (AR - Thực tế tăng cường): VR và AR tạo ra trải nghiệm mua sắm mới lạ, độc đáo cho khách hàng, giúp khách hàng hình dung rõ hơn về sản phẩm, tăng cường sự tương tác và thúc đẩy quyết định mua hàng.

Hoạt động Marketing xu hướng của năm 2024 - 2025

11. Các câu hỏi liên quan đến Marketing

11.1. Học Marketing có khó không?

Học Marketing không hề đơn giản. Đây là lĩnh vực rộng lớn, đòi hỏi người học phải có đam mê, kiên trì, không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức mới, kỹ năng và thực hành thường xuyên. 

Hành trình hơn 4 năm gắn bó với Marketing của tôi là cả một quá trình kiên trì và đầy thử thách. Có những kiến thức ban đầu rất khó để tiếp thu và khi bước chân vào con đường thực tế, mọi thứ lại càng không hề dễ dàng.

Thế nhưng, chính trong những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, tôi dần khám phá ra sự thú vị tiềm ẩn bên trong từng bài học. Marketing, từ một lĩnh vực có phần rắc rối, bỗng trở nên gần gũi và đầy sức hút. Tôi nhận ra giá trị của bản thân, xác định được sứ mệnh của mình và cảm nhận rõ ràng rằng, Marketing đã thực sự trở thành một phần trong cuộc sống của tôi.

11.2. Làm thế nào để bắt đầu học Marketing hiệu quả?

Để bắt đầu học Marketing hiệu quả, bạn có thể:

  • Tham gia các khóa học Marketing: Có rất nhiều khóa học Marketing online/offline do các trường đại học, trung tâm đào tạo, chuyên gia tổ chức. Bạn có thể lựa chọn khóa học phù hợp với nhu cầu, trình độ và ngân sách của mình.
  • Đọc sách báo về Marketing: Có rất nhiều cuốn sách hay về Marketing của các tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước. Đọc sách giúp bạn nắm vững kiến thức cơ bản, nâng cao hiểu biết và mở rộng tầm nhìn về Marketing.
  • Theo dõi các chuyên gia, blog, website uy tín về Marketing: Việc theo dõi các chuyên gia, blog, website uy tín sẽ giúp bạn cập nhật những kiến thức mới nhất, xu hướng và thông tin thực tiễn trong ngành.
  • Tham gia cộng đồng Marketing: Hãy tham gia các cộng đồng Marketing trên Facebook, LinkedIn, các diễn đàn chuyên ngành,... để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ những người có kinh nghiệm.
  • Thực hành, thực hành và thực hành: Thực hành là yếu tố quan trọng nhất để học Marketing hiệu quả. Hãy áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, tự mình làm các dự án Marketing, tham gia các cuộc thi Marketing,... để rèn luyện kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm.

11.3. Học Marketing ở đâu?

Giới thiệu đến bạn một số đơn vị đào tạo Marketing uy tín: 

  • Các trường đại học, cao đẳng: Nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước đào tạo ngành Marketing, ví dụ: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại, Đại Học Kinh Tế - Luật,...
  • Các đơn vị đào tạo uy tín: Bên cạnh các trường đại học, cao đẳng, bạn có thể tham khảo các khóa học Marketing tại các đơn vị đào tạo uy tín như: PACE, Edumall, Kyna, FPT Skillking,...
  • Các khóa học online: Các nền tảng học online như Coursera, Udemy, edX,... cung cấp rất nhiều khóa học Marketing chất lượng từ các trường đại học, tổ chức hàng đầu trên thế giới.

11.4. Học Marketing ra làm gì?

Nhiều người thường lầm tưởng rằng học Marketing chỉ để chạy quảng cáo hay bán hàng. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Marketing là một lĩnh vực rộng lớn, bao gồm rất nhiều công việc khác nhau, từ nghiên cứu thị trường, phân tích đối thủ cạnh tranh, xây dựng chiến lược marketing tổng thể cho đến quản lý thương hiệu, chăm sóc khách hàng và nhiều hơn thế nữa.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Marketing có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc đa dạng như chuyên viên Marketing, chuyên viên truyền thông, nhân viên kinh doanh, quản lý thương hiệu, chuyên viên SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm),...

Trả lời câu hỏi liên quan đến Marketing

Bài viết đã cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về "Marketing là gì" cũng như những kiến thức Marketing bổ ích khác. Hy vọng, bạn đã nắm được những kiến thức cơ bản nhất về Marketing và có thể ứng dụng vào thực tế. Hãy không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng để thành công trong lĩnh vực Marketing đầy tiềm năng này. Chúc bạn thành công!

Xem thêm: