Doanh nghiệp SMB (Small and Medium-sized Businesses) là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Hiểu rõ SMB là gì sẽ giúp bạn nắm bắt vai trò của họ trong nền kinh tế và bức tranh kinh doanh tổng thể. Bài viết này cung cấp định nghĩa, đặc điểm, cơ hội, thách thức và những chỉ số quan trọng để vận hành SMB, đồng thời cập nhật xu hướng phát triển tương lai, hỗ trợ bạn đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp.

1. Doanh nghiệp SMB là gì?

Doanh nghiệp SMB (viết tắt của Small and Medium-sized Businesses) là các doanh nghiệp có quy mô hoạt động vừa và nhỏ (khi so sánh với các tập đoàn hay doanh nghiệp lớn trong cùng lĩnh vực).

Bên cạnh doanh nghiệp SMB ta cũng thường hay bắt gặp thuật ngữ doanh nghiệp SME (Small and Medium-sized Enterprises). Cả 2 thuật ngữ này đều đề cập đến cùng một nhóm đối tượng là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nhưng việc sử dụng thuật ngữ nào sẽ phụ thuộc vào ngữ cảnh và khu vực địa lý.

Doanh nghiệp SMB phổ biến hơn ở Bắc Mỹ, đặc biệt là Hoa Kỳ và thường được sử dụng trong bối cảnh thương mại và Marketing ở một số quốc gia như Trung Quốc, Nga, Belarus, Đức, Pháp, Nhật Bản,... Khi nói đến SMB, người ta thường nghĩ đến các doanh nghiệp tư nhân hoạt động vì lợi nhuận.

Doanh nghiệp SME phổ biến hơn ở một số quốc gia Mỹ Latinh, châu Phi, Australia, một số quốc gia khác ở châu Âu, châu Á (trong đó có Việt Nam),... và được các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc sử dụng. SME xuất hiện nhiều hơn trong các văn bản về kinh tế và chính sách. Một điểm khác biệt nữa là doanh nghiệp SME có thể bao gồm cả các doanh nghiệp xã hội và hợp tác xã, trong khi doanh nghiệp SMB chủ yếu đề cập đến các doanh nghiệp tư nhân.

2. Đặc điểm của doanh nghiệp SMB

Để dễ hình dung hơn về doanh nghiệp SMB, hãy cùng phân tích hai đặc điểm quan trọng nhất là quy mô và doanh thu.

Về quy mô:

  • Số lượng nhân viên: Doanh nghiệp SMB thường có số lượng nhân viên hạn chế, dao động từ vài người đến vài trăm người. Tuy nhiên, không có con số cụ thể nào được áp dụng chung trên toàn cầu. Mỗi quốc gia, ngành nghề sẽ có những tiêu chí riêng. Ví dụ, ở Mỹ, doanh nghiệp SMB trong lĩnh vực sản xuất có thể có tới 500 nhân viên (theo U.S. Small Business Administration. (2019)), trong khi ở Việt Nam, con số này chỉ khoảng 200 (theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP).
  • Cơ cấu tổ chức: Do quy mô nhỏ, cấu trúc tổ chức của doanh nghiệp SMB thường khá đơn giản, ít bộ phận, phòng ban. Mô hình phổ biến là "mô hình tổ chức phẳng", nơi nhân viên có thể dễ dàng trao đổi trực tiếp với cấp quản lý, tạo nên môi trường làm việc linh hoạt, sáng tạo.

Về doanh thu:

  • Doanh thu hàng năm: Tương tự như quy mô nhân sự, doanh thu của doanh nghiệp SMB cũng thay đổi tùy theo từng quốc gia, ngành nghề. Nhìn chung, doanh thu của SMB thường ở mức thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp lớn. Điều này xuất phát từ quy mô hoạt động, thị phần, nguồn lực tài chính,... của SMB còn hạn chế hơn rất nhiều.
  • Khả năng tiếp cận vốn: Do quy mô nhỏ và hệ thống tài chính chưa hoàn thiện, doanh nghiệp SMB thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng hay các tổ chức tài chính.

Một số đặc điểm khác:

  • Doanh nghiệp SMB không bị ràng buộc bởi bộ máy cồng kềnh nên thường rất nhạy bén, dễ dàng hơn trong việc nắm bắt xu hướng, nhu cầu mới của thị trường.
  • Doanh nghiệp SMB thường có mô hình quản lý tập trung, với chủ doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào hầu hết các hoạt động và ít phân cấp quản lý.

Quy mô nhân sự của doanh nghiệp SMB

Quy mô nhân sự của doanh nghiệp SMB

3. Vai trò và tầm quan trọng của doanh nghiệp SMB trong nền kinh tế

Trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế, doanh nghiệp SMB tuy nhỏ bé nhưng lại nắm giữ những vai trò không thể thay thế, góp phần tạo nên sự vững chắc và phát triển bền vững cho nền kinh tế của mỗi quốc gia.

  • Doanh nghiệp SMB thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Doanh nghiệp SMB tạo công ăn việc làm cho đại bộ phận người lao động, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân và đóng góp vào GDP của nền kinh tế.
  • Doanh nghiệp SMB thúc đẩy đổi mới và sáng tạo: Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có khả năng thích ứng nhanh với thị trường, luôn sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng kinh doanh mới, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đột phá.
  • Doanh nghiệp SMB giúp đa dạng hóa nền kinh tế: SMB hiện diện trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực giúp đa dạng hóa nền kinh tế, giúp kinh tế ổn định và bền vững hơn.
  • SMB là nền tảng vững chắc để vun đắp cho tinh thần khởi nghiệp: Doanh nghiệp SMB đã truyền cảm hứng cho các cá nhân, tổ chức hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của bản thân, thúc đẩy sự năng động và phát triển của nền kinh tế.

4. Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp SMB

4.1. Cơ hội của doanh nghiệp SMB

Doanh nghiệp SMB có nhiều cơ hội để phát triển và thành công trong môi trường kinh doanh hiện nay.

  • Doanh nghiệp SMB có thể nhanh chóng thích ứng với những thay đổi trên thị trường: Với quy mô nhỏ và cơ cấu tổ chức đơn giản, họ có thể điều chỉnh chiến lược, sản phẩm hoặc dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách linh hoạt hơn so với các doanh nghiệp lớn.
  • Doanh nghiệp SMB có thể xây dựng mối quan hệ tin cậy và gắn bó lâu dài với khách hàng: Các chủ doanh nghiệp và nhân viên của SMB thường có cơ hội tương tác trực tiếp với khách hàng, điều này giúp hiểu rõ hơn về nhu cầu, thách thức và mong đợi của khách hàng, từ đó có thể điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ cho phù hợp.
  • Doanh nghiệp SMB có thể mở rộng hoạt động kinh doanh ra ngoài thị trường địa phương: Với sự phát triển của thương mại điện tử và logistics, SMB có thể tiếp cận khách hàng từ các khu vực khác nhau, thậm chí ở quy mô quốc gia hoặc quốc tế. Điều này giúp SMB mở rộng cơ sở khách hàng, tăng doanh thu và giảm sự phụ thuộc vào thị trường địa phương.

4.2. Thách thức của doanh nghiệp SMB

Bên cạnh những cơ hội tiềm năng, doanh nghiệp SMB cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trên con đường phát triển.

  • Hạn chế về nguồn lực: Nguồn lực hạn chế chính là một trong những rào cản lớn nhất. SMB thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và hạn chế về khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại.
  • Cạnh tranh khốc liệt: Doanh nghiệp SMB thường phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính mạnh, hệ thống phân phối rộng khắp và thương hiệu uy tín. Việc gia nhập vào thị trường mới, tiếp cận khách hàng tiềm năng đòi hỏi SMB phải nỗ lực không ngừng.
  • Khó khăn trong việc quản lý và vận hành: SMB thường phải đối mặt với những rủi ro đến từ việc quản lý tài chính và nhân sự do thiếu kinh nghiệm trong việc kiểm soát chi phí và hệ thống quản lý nhân sự chưa hiệu quả.

Con đường phát triển của doanh nghiệp SMB luôn đầy cạnh tranh và thách thức. Tuy nhiên, bằng sự nhạy bén, linh hoạt và khả năng nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp SMB hoàn toàn có thể vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế và gặt hái thành công.

5. Các chỉ số quan trọng trong vận hành doanh nghiệp SMB

Để vận hành doanh nghiệp SMB hiệu quả, cần theo dõi và phân tích một số chỉ số quan trọng, bao gồm:

  • Customer Acquisition Cost (CAC): Chi phí trung bình mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có được một khách hàng mới. Đây là một chỉ số quan trọng, đặc biệt đối với doanh nghiệp SMB, giúp đánh giá hiệu quả của các chiến dịch marketing và tối ưu hóa chi phí.
  • Conversion Rate (CVR): Tỷ lệ chuyển đổi là tỷ lệ phần trăm khách hàng tiềm năng thực hiện một hành động mong muốn, ví dụ như mua hàng, đăng ký tài khoản, điền form,... CVR phản ánh hiệu quả của toàn bộ quy trình bán hàng, từ thu hút khách hàng đến chốt đơn.
  • Customer Lifetime Value (CLV): Giá trị vòng đời khách hàng là tổng lợi nhuận mà doanh nghiệp dự kiến thu được từ một khách hàng trong suốt thời gian hợp tác với doanh nghiệp. 
  • Gross Margin: Tỷ suất lợi nhuận gộp là tỷ lệ phần trăm doanh thu còn lại sau khi trừ đi giá vốn hàng bán (COGS). Chỉ số này cho biết khả năng sinh lời của sản phẩm/dịch vụ trên mỗi đơn vị bán ra, giúp doanh nghiệp định giá sản phẩm hợp lý và kiểm soát chi phí sản xuất hiệu quả.
  • Profit Margin: Tỷ suất lợi nhuận ròng là tỷ lệ phần trăm doanh thu còn lại sau khi trừ đi tất cả các chi phí, bao gồm giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và marketing, chi phí quản lý doanh nghiệp,...

Việc theo dõi và phân tích các chỉ số quan trọng là yếu tố then chốt để giúp doanh nghiệp SMB vận hành hiệu quả, tăng trưởng bền vững và đạt được thành công trong dài hạn.

6. Làm thế nào để giúp doanh nghiệp SMB phát triển?

Để giúp doanh nghiệp SMB phát triển, cần có sự chung tay góp sức từ nhiều phía, bao gồm chính doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức hỗ trợ. 

6.1. Đối với doanh nghiệp SMB

  • Nâng cao năng lực quản lý: Chủ doanh nghiệp và đội ngũ quản lý cần trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý bao gồm quản lý tài chính, nhân sự, marketing, bán hàng, vận hành,...
  • Xây dựng chiến lược kinh doanh rõ ràng: Xác định rõ mục tiêu, thị trường mục tiêu, lợi thế cạnh tranh và kế hoạch hành động cụ thể để giúp SMB tập trung nguồn lực vào đúng hướng, nâng cao hiệu quả hoạt động.
  • Ứng dụng công nghệ: Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh giúp quản lý chi phí hiệu quả, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
  • Đổi mới sáng tạo: Luôn tìm kiếm ý tưởng mới, cải tiến sản phẩm/dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thị trường và tạo ra lợi thế cạnh tranh.
  • Mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng: SMB cần tận dụng tối đa các kênh bán hàng trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử, xây dựng website, tăng cường hoạt động marketing online để tiếp cận khách hàng tiềm năng.
  • Mở rộng mạng lưới quan hệ: Tham gia các hội thảo, diễn đàn, kết nối với các doanh nghiệp khác để mở rộng mạng lưới quan hệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác.

6.2. Đối với chính phủ

  • Hoàn thiện khung pháp lý: Chính phủ tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và dễ dàng tuân thủ cho doanh nghiệp SMB hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi và giảm thiểu rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.
  • Hỗ trợ tiếp cận vốn: Chính phủ triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, quỹ bảo lãnh tín dụng và khuyến khích đầu tư mạo hiểm để giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cần thiết để đầu tư, mở rộng quy mô.
  • Hỗ trợ ứng dụng công nghệ: Cung cấp các chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp SMB ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
  • Hỗ trợ xúc tiến thương mại: Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp SMB với thị trường trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp SMB phải luôn trau dồi kiến thức và cập nhập xu hướng của thị trường

Doanh nghiệp SMB phải luôn trau dồi kiến thức và cập nhập xu hướng của thị trường

6. Xu hướng phát triển của doanh nghiệp SMB trong tương lai

Trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng, doanh nghiệp SMB cần thích ứng nhanh chóng để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Dưới đây là một số xu hướng nổi bật sẽ định hình sự phát triển của SMB trong tương lai:

  • Chuyển đổi số: Doanh nghiệp SMB sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động, từ quản lý đến sản xuất và kinh doanh, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả. Việc nâng cao năng lực số cho nhân viên và chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trực tuyến cũng sẽ là trọng tâm.
  • Lấy khách hàng làm trọng tâm: Doanh nghiệp SMB sẽ tập trung cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng và chăm sóc khách hàng đa kênh để xây dựng mối quan hệ bền vững. Mục tiêu là tạo ra lòng trung thành và biến khách hàng thành người ủng hộ thương hiệu.
  • Tích hợp chuỗi cung ứng: Doanh nghiệp SMB sẽ ứng dụng công nghệ và hợp tác với các đối tác để quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả. Điều này giúp tối ưu hóa chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ và đáp ứng nhu cầu thị trường một cách tốt hơn.
  • Phát triển bền vững (EGS): Doanh nghiệp SMB cần hướng đến sự phát triển bền vững bằng cách ứng dụng mô hình kinh doanh xanh, sử dụng năng lượng sạch, giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, góp phần tạo dựng một xã hội phát triển bền vững.
  • Tăng cường hợp tác và liên kết: Doanh nghiệp SMB sẽ mở rộng mạng lưới và tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng có lợi với các doanh nghiệp khác. Việc này giúp họ mở rộng thị trường, tiếp cận công nghệ mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp SMB cần chủ động nắm bắt và thích ứng với các xu hướng trên để phát triển bền vững và thành công hơn trong tương lai.

Doanh nghiệp nên mở rộng mạng lưới và tăng cường hợp tác

Doanh nghiệp nên mở rộng mạng lưới và tăng cường hợp tác

Doanh nghiệp SMB với những đặc điểm riêng biệt, đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy gặp nhiều thách thức nhưng doanh nghiệp SMB vẫn có nhiều cơ hội phát triển nếu biết tận dụng lợi thế của mình như tính linh hoạt, khả năng thích ứng nhanh và sự gần gũi với khách hàng. Việc nắm bắt xu hướng chuyển đổi số và áp dụng các chiến lược kinh doanh phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp SMB phát triển bền vững trong tương lai.

Xem thêm: