Báo cáo người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 cung cấp cái nhìn tổng quan về thị trường tiêu dùng, hành vi mua sắm, thói quen sử dụng mạng xã hội và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng. Báo cáo này nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ người tiêu dùng Việt Nam để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.
1. Tổng quan thị trường tiêu dùng Việt Nam
Theo báo cáo Xu hướng Tiêu dùng Việt Nam 2023 của Cimigo nêu bật chín yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam trong thập kỷ tới. Thay đổi về cơ cấu dân số mang lại lợi thế lớn với 62% dân số trong độ tuổi lao động và tỷ lệ phụ thuộc thấp chỉ 0,7. GDP tăng trưởng trung bình 5,9% mỗi năm trong 10 năm qua, đạt 6,3% năm 2023, cùng mức GDP bình quân đầu người năm 2022 là 4.104 USD. Ngành sản xuất chiếm 25% GDP, hưởng lợi từ mạng lưới thương mại toàn cầu và các hiệp định tự do thương mại, nhưng vẫn đối mặt với thách thức trong việc gia tăng giá trị nội địa.
Tiêu dùng nội địa tiếp tục tăng mạnh, với doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2022 vượt mức trước đại dịch. Sự bùng nổ của nền kinh tế internet, đạt giá trị 23 tỷ USD và chiếm 5,7% GDP, phản ánh sự chuyển đổi số nhanh chóng. Tầng lớp trung lưu gia tăng, với hơn 5,9 triệu hộ gia đình có thu nhập trên 1.000 USD/tháng vào năm 2022. Cùng lúc, hệ sinh thái tài chính hỗ trợ mạnh mẽ cho thương mại điện tử và các công ty khởi nghiệp, khi 70% người trưởng thành sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Ngoài ra, sự ổn định chính trị và quản lý tài nguyên bền vững giúp củng cố lòng tin vào khả năng thịnh vượng của Việt Nam trong tương lai. Những yếu tố này tạo ra một nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế tại châu Á.
2. Dân số và kinh tế
2.1. Dân số
Theo báo VNExpress đến hết năm 2023 đạt 100,3 triệu người, cơ cấu dân số vàng với tỷ lệ người trẻ cao, tạo nên nguồn lao động dồi dào và tiềm năng tiêu dùng mạnh mẽ. Lực lượng lao động nữ chiếm tỷ lệ lớn, với sự gia tăng đáng kể của những người tham gia thị trường lao động trong các lĩnh vực như dịch vụ, thương mại và công nghệ.
Nhóm Gen Z và Millennials đang dẫn đầu xu hướng tiêu dùng nhờ khả năng tiếp cận công nghệ nhanh chóng, sở thích tìm kiếm sản phẩm sáng tạo, và mối quan tâm đến trải nghiệm hơn là sở hữu. Tiếp đó là nhóm Gen Alpha được nhà báo Kim Hạnh nhận xét trên kênh 5 phút Chuyện Thị Trường rằng "Gen Alpha rất sành tiêu dùng, sành mua các sản phẩm cao cấp,..." hứa hẹn cho một thời kỳ mới, một xu hướng tiêu dùng mới.
2.2. Kinh tế
Kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh nhờ vào sản xuất công nghiệp, bán lẻ và du lịch. Đặc biệt, du lịch quốc tế hồi phục sau đại dịch đã góp phần thúc đẩy doanh thu từ ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, kinh tế số đang trở thành động lực phát triển chính, với các nền tảng thương mại điện tử và thanh toán không tiền mặt ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số.
Tài chính hộ gia đình cũng cải thiện, với việc nhiều gia đình chuyển từ chi tiêu cơ bản sang đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ mang tính giá trị cao hơn, như giáo dục, y tế, và công nghệ. Điều này tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp phục vụ thị trường trung và cao cấp.
3. Hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam
Hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 phản ánh sự chuyển dịch từ ưu tiên giá cả sang giá trị thực sự của sản phẩm và trải nghiệm mua sắm. Người tiêu dùng không chỉ tìm kiếm các sản phẩm chất lượng mà còn đánh giá cao các lợi ích kèm theo như dịch vụ hậu mãi, chính sách đổi trả, và sự tiện lợi trong mua sắm.
Nội dung số đang đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng. Các bài đánh giá sản phẩm, video hướng dẫn sử dụng thực tế, và nội dung do người dùng tạo ra (UGC) ngày càng ảnh hưởng đến niềm tin và hành vi mua sắm. Đặc biệt, phân loại người tiêu dùng thành các nhóm như social-oriented (định hướng cộng đồng) và product-oriented (định hướng sản phẩm) giúp doanh nghiệp nắm bắt thói quen mua sắm và xây dựng chiến lược tiếp cận hiệu quả hơn.
Shoppertainment - sự kết hợp giữa mua sắm và giải trí - là xu hướng bùng nổ, đặc biệt trên các nền tảng livestream và video ngắn. Các buổi livestream bán hàng, video tương tác, và nội dung giải trí đã trở thành kênh thúc đẩy doanh số lớn. Theo thống kê, người tiêu dùng Việt Nam dành trung bình hơn 2 giờ 32 phút mỗi ngày trên các nền tảng mạng xã hội (theo thống kê trên báo VTV.vn) và hơn 50% đã thực hiện ít nhất một giao dịch qua livestream hoặc shoppertainment trong năm qua. Doanh nghiệp cần tận dụng xu hướng này bằng cách đầu tư vào nội dung sáng tạo và xây dựng đội ngũ người dẫn chương trình (host) chuyên nghiệp để tăng mức độ tương tác và doanh thu.
4. Hành vi sử dụng mạng xã hội và internet
4.1. Hàng vi người tiêu dùng trên mạng xã hội
Người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục dành phần lớn thời gian trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Các nền tảng phổ biến như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok, và Instagram đóng vai trò quan trọng không chỉ trong giao tiếp mà còn trong việc khám phá sản phẩm và đưa ra quyết định mua sắm.
- Facebook: Là nền tảng hàng đầu với khả năng kết nối cộng đồng mạnh mẽ, đồng thời là kênh quảng cáo và bán hàng hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp.
- TikTok và YouTube Shorts: Đang bùng nổ nhờ nội dung ngắn gọn, giải trí, dễ chia sẻ, và ảnh hưởng lớn đến nhóm người tiêu dùng trẻ.
- Zalo: Phổ biến trong giao tiếp cá nhân và kinh doanh nhỏ lẻ, đặc biệt tại các thành phố lớn.
- Instagram: Nổi bật với nội dung hình ảnh và video thời trang, mỹ phẩm, thu hút giới trẻ yêu thích phong cách sống hiện đại.
4.2. Thói quen sử dụng các nền tảng trực tuyến
Thói quen tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng video ngắn và mạng xã hội ngày càng phổ biến, thay vì các công cụ tìm kiếm truyền thống. Người tiêu dùng mong muốn một trải nghiệm liền mạch: từ việc xem nội dung giới thiệu sản phẩm, truy cập thông tin chi tiết, đến đặt mua ngay trên cùng một nền tảng. Các content communities (cộng đồng nội dung) như hội nhóm Facebook hoặc hashtag trên TikTok giúp người tiêu dùng tìm hiểu sâu hơn qua các đánh giá thực tế, từ đó gia tăng mức độ tin tưởng trước khi mua sắm.
Doanh nghiệp cần tối ưu hóa sự hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội bằng cách phát triển nội dung đa dạng, sáng tạo và phù hợp với từng đối tượng mục tiêu. Đồng thời, tận dụng các công cụ như quảng cáo nhắm mục tiêu, livestream bán hàng và hợp tác với influencer để tăng sức cạnh tranh trên môi trường trực tuyến.
5. Dự đoán xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam
Xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam trong tương lai đang trải qua những chuyển biến mạnh mẽ, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ công nghệ, kinh tế và ý thức xã hội. Sự chuyển đổi số toàn diện đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển vượt bậc và dự kiến sẽ vượt qua bán lẻ truyền thống trong vài năm tới. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến, thanh toán điện tử và các dịch vụ công nghệ tiện lợi khác.
Đồng thời, nhu cầu nội địa vẫn đóng vai trò chủ chốt, với người tiêu dùng hướng đến sản phẩm chất lượng cao, thương hiệu uy tín và trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và các hộ gia đình giàu có càng làm rõ nét xu hướng này, khi nhu cầu về hàng hóa cao cấp, công nghệ tiên tiến và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, ý thức về sức khỏe và môi trường cũng định hình xu hướng tiêu dùng tương lai. Người Việt ngày càng quan tâm đến thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thể hiện sự chú trọng đến lối sống lành mạnh. Xu hướng du lịch, cả trong và ngoài nước, cũng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm và khám phá.
Đặc biệt, người tiêu dùng đang thể hiện rõ sự ưu tiên cho các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và có nguồn gốc bền vững. Điều này đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp phải thích ứng và đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Sự đổi mới trong lĩnh vực tài chính và thanh toán điện tử cũng góp phần không nhỏ vào việc định hình hành vi tiêu dùng, với sự phổ biến của ngân hàng số và các phương thức thanh toán không tiền mặt.
6. Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp
6.1. Cơ hội
Thị trường tiêu dùng Việt Nam năm 2024 mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp biết cách tận dụng xu hướng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
- Tận dụng shoppertainment: Với sự bùng nổ của các nền tảng video ngắn và livestream, doanh nghiệp có thể kết hợp bán hàng và giải trí để tăng tương tác và thúc đẩy doanh số. Các nội dung hấp dẫn, sáng tạo sẽ giúp thu hút người tiêu dùng trẻ.
- Hợp tác với influencers và content creators: Những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội không chỉ giúp sản phẩm đến gần hơn với khách hàng mục tiêu mà còn tăng tính xác thực và niềm tin đối với thương hiệu.
- Phát triển trải nghiệm mua sắm liền mạch: Tạo điều kiện để khách hàng có thể khám phá, tìm hiểu và mua sắm ngay trên cùng một nền tảng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, tích hợp các công cụ thanh toán và tối ưu quy trình vận hành.
6.2. Thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, các doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít thách thức:
- Cạnh tranh khốc liệt: Thị trường ngày càng đông đúc với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới và cả các doanh nghiệp nước ngoài.
- Nhu cầu thay đổi liên tục: Người tiêu dùng thay đổi thói quen nhanh chóng, buộc doanh nghiệp phải theo kịp để duy trì sự phù hợp.
- Cân bằng giữa khuyến mãi và mối quan hệ lâu dài: Trong khi các chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng ngắn hạn, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược để duy trì lòng trung thành thông qua trải nghiệm tốt và sản phẩm chất lượng.
Để thành công, doanh nghiệp cần linh hoạt thích ứng, đầu tư vào công nghệ, và thấu hiểu hành vi người tiêu dùng để đưa ra các chiến lược phù hợp, dài hạn.
Thị trường tiêu dùng Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thành công, doanh nghiệp cần thấu hiểu người tiêu dùng, nắm bắt xu hướng và thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường. Hy vọng thông tin trong bài hữu ích với bạn đọc, xem thêm nội dung có liên quan trên trang Media Lab bạn nhé!
Xem thêm: